img
Công bố sửa chữa thành công mặt cầu Thuận Phước

Sáng 2/1, Công ty cổ phần Tư vấn và Đầu tư xây dựng ECC (Đà Nẵng) đã tổ chức cuộc gặp với đại diện một số cơ quan báo chí trung ương và địa phương đóng trên địa bàn để chính thức công bố hoàn tất việc sửa chữa mặt cầu Thuận Phước vốn đã xảy ra nhiều hư hỏng kể từ năm 2010, chỉ một năm sau khi cây cầu này được đưa vào khai thác, đến nay!

Công ty ECC công bố sửa chữa thành công mặt cầu Thuận Phước (Đà Nẵng) bằng phương pháp và vật liệu mới. Nhưng theo các chuyên gia, nếu không giải được bài toán nhiệt cho bề mặt cầu thì sẽ lại hư hỏng!

Tại cuộc gặp báo chí sáng 2/1, ông Mai Triệu Quang, Tổng Giám đốc Công ty ECC công bố đã sửa chữa thành công mặt cầu Thuận Phước (Ảnh: HC)

Theo đó, Công ty ECC thực hiện hạng mục phủ bê tông nhựa mặt cầu thép (dài 655m) của cầu Thuận Phước vào năm 2009 theo hợp đồng ký với nhà thầu chính là Công ty Cơ khí xây dựng công trình 623 (Cienco 6); thời hạn bảo hành được ghi trong hợp đồng là 12 tháng kể từ ngày nghiệm thu hoàn thành hạng mục xây lắp. Giá trị quyết toán của hạng mục này gần 14 tỉ đồng, chiếm khoảng 1,3% tổng giá trị của cả cây cầu.

Ông Mai Triệu Quang, Tổng Giám đốc Công ty ECC cho hay, ngày 14/07/2009, cầu Thuận Phước chính thức thông xe. Theo quy hoạch tổng thể giao thông của Đà Nẵng, cầu Thuận Phước chỉ phục vụ cho xe có tải trọng nhỏ, xe du lịch nên chỉ được thiết kế với tải trọng H10, lớp phủ bê tông nhựa trên mặt cầu cũng chỉ 4,1cm thay vì 5,5cm như với cầu có tải trọng lớn hơn. Trong năm đầu tiên, cầu được khai thác bình thường, không có hư hỏng gì.

Tuy nhiên từ năm thứ hai trở đi, mặt cầu bắt đầu xảy ra những hư hỏng nhẹ, chủ yếu là các vị trí cục bộ giữa nhịp, trên vệt xe nặng do việc kiểm soát xe tải trọng nặng vượt mức cho phép đối với loại cầu treo dây võng từ cảng Tiên Sa đi các tỉnh phía Bắc và ngược lại lén lút qua cầu vào ban đêm chưa được thực hiện triệt để. Đến giữa mùa nắng nóng cuối tháng 7/2010, trên mặt cầu - ở làn xe giữa cầu – có xuất hiện một số vết nứt cục bộ tại vị trí vệt xe trọng tải nặng. Tuy các vết nứt này không ảnh hưởng đến an toàn giao thông nhưng Công ty ECC vẫn chưa láng nhựa bảo vệ ngay.

Vào giữa mùa nắng nóng các năm 2011 – 2012, các dạng hư hỏng bắt đầu lan rộng trên lớp phủ bản mặt cầu. Rõ nét nhất là lớp phủ bê tông nhựa bị trượt trên mặt bản thép dưới tác dụng của ngoại lực xe nặng và biến dạng co giãn đàn hồi của hệ mặt cầu (co giãn nhiệt và chuyển vị do dao động của hệ cầu treo dây võng) trong điều kiện nhiệt độ rất cao vào mùa hè. Những người đi qua cầu Thuận Phước thấy rất rõ lớp bê tông nhựa trên mặt cầu mất sự liên kết với bản mặt cầu thép, không còn bằng phẳng mà bị xô dồn, tạo thành những gợn “sóng trâu” rất nguy hiểm. Đến mùa nắng nóng 2013, mặt cầu đã hư hỏng nặng trên diện rộng và gây ảnh hưởng lớn đến quá trình lưu thông trên cầu.

Bên cạnh việc tiến hành các đợt sửa chữa cục bộ, Công ty ECC đã cùng các cơ quan hữu quan tiến hành các đợt kiểm tra, nghiên cứu hiện trường. Qua đó đã chỉ ra một tổ hợp các nguyên nhân gây ra hư hỏng lớp phủ mặt cầu Thuận Phước, bao gồm tải trọng xe quá tải trong năm đầu tiên khai thác, hiệu ứng nhiệt trong dầm hộp thép vào mùa hè, các biến dạng lớn của kết cấu cầu treo dây võng sau một thời gian khai thác…

Mặt cầu Thuận Phước đã trở nên êm thuận sau đợt sửa chữa lớn hồi tháng 7/2013, nhưng theo các chuyên gia, nếu không giải được bài toán ủ nhiệt cho hộp dầm thép thì bề mặt cầu sẽ lại hư hỏng! (Ảnh: HC)



Năm 2012, được sự cho phép của Sở GTVT Đà Nẵng, Công ty ECC đã bỏ ra 1,7 tỉ đồng tiến hành thi công ứng dụng một đoạn vật liệu mới dài 200m ở phía Đông cầu Thuận Phước để kiểm chứng khả năng phù hợp của loại vật liệu này cho việc sửa chữa đại trà. Trong hai tháng 5 – 6/2013, Công ty ECC cùng đại diện Ban quản lý dự án cầu Thuận Phước, Sở GTVT và Công ty Quản lý cầu đường Đà Nẵng tiến hành 3 đợt kiểm tra hiện trường. Qua đó Sở GTVT Đà Nẵng đã có báo cáo đánh giá tính năng làm việc tốt của vật liệu và phương pháp xử lý tại đoạn thử nghiệm.

Tháng 7/2013, Công ty ECC được UBND TP Đà Nẵng cho phép đóng cầu trong 15 ngày để tiến hành sửa chữa 4.400m2 mặt cầu bằng cách đào bỏ lớp bê tông nhựa cũ và thảm mới bằng hai lớp bê tông nhựa Polime PMB3 dày 8cm với công thức cải tiến, có sợi thủy tinh gia cường. Giữa lớp bê tông nhựa và bản mặt thép có lớp dính bám bằng nhựa đường Epoxy hai thành phần. Tăng cường dính bám bằng cách hàn các gân râu thép vào mặt cầu với khoảng cách 80cm/vị trí. Giữa hai lớp bê tông nhựa có tăng cường lớp lưới sợi thủy tinh với cường độ chịu kéo 100 kN.

“Cầu Thuận Phước đã được thông xe phục vụ trở lại từ tháng 8/2013 đến nay. Với nghiên cứu bổ sung cho quy mô lớn này cho thấy đã thành công và có thể áp dụng ở các cầu khác tương tự để làm mới và khắc phục sự cố. Dù đã hết hạn bảo hành từ lâu nhưng với tinh thần trách nhiệm đến cùng và vì uy tín của mình, Công ty ECC đã chi phí trên 5 tỉ đồng cho đợt sửa chữa và gia cường sau cùng này, nâng tổng kinh phí mà công ty đã bỏ ra để sửa chữa mặt cầu Thuận Phước lên đến khoảng 7 tỉ đồng. Đây hoàn toàn là tiền của Công ty ECC chứ không phải là “hàng trăm tỉ đồng tiền ngân sách mỗi lần sửa” như một số thông tin báo chí đã nêu” – ông Mai Triệu Quang khẳng định.

Đồng thời ông cũng bảy tỏ: “Vấn đề lớp phủ mặt cầu thép hiện đang rất mới ở Việt Nam và cũng là khó khăn chung về công nghệ của ngành GTVT. Hiện tại chưa có một công nghệ hoàn chỉnh cho kết cấu mặt cầu trên bản thép trực hướng này, ví dụ như mặt cầu Thăng Long cũng là một điển hình, nên các rủi ro về kỹ thuật là điều khó tránh khỏi. Chúng tôi mong muốn việc Công ty ECC tự bỏ chi phí thực hiện các nghiên cứu, ứng dụng công nghệ và thực hiện công tác sửa chữa mặt cầu Thuận Phước suốt thời gian qua sẽ được công luận biết rõ và có đánh giá khách quan, công bằng hơn!”.

Trong khi đó, ông Lê Nguyễn Quốc Việt, Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Tư vấn và Xây dựng Q.E.S. (đối tác của Công ty ECC trong việc thực hiện hạng mục lớp phủ mặt cầu Thuận Phước) cho biết, hộp dầm thép của cầu Thuận Phước rất lớn, cao mấy mét, dài hơn 650m nhưng gần như khép kín, không có hệ thống thông gió ở bên trong nên ủ nhiệt rất cao, vào mùa hè có thể lên đến 80 – 900C. Điều này khiến lớp phủ mặt cầu và lớp dính bám luôn phải hoạt động trong tình trạng bất lợi, vì vật liệu bê tông nhựa đường khi gặp nóng đến 60 – 700C thì sẽ bị mềm ra.

“Theo các chuyên gia trong ngành, nếu không giải được bài toán ủ nhiệt cho hộp dầm thép thì dù sử dụng bất cứ loại vật liệu gì cho bề mặt cầu cũng chỉ trong vòng vài năm nữa lại phải tiếp tục sửa chữa. Do vậy, chúng tôi cũng đã đề xuất với UBND TP và Sở GTVT Đà Nẵng đưa các quạt thông gió vào trong hộp dầm thép ở những cái lỗ đã được khoét sẵn cho người vào kiểm tra (cứ 6m có 2 lỗ) để thoát bớt nhiệt ra ngoài. Tuy nhiên đến nay chúng tôi vẫn chưa nhận được hồi âm!” – ông Lê Nguyễn Quốc Việt cho hay.

Nguồn: http://infonet.vn/
 

Copyright 2018 © by BK-ECC
Phát triển bởi VinaWise