img
Đà Nẵng: Hoàn thành sữa chữa mặt cầu Thuận Phước

Theo ông Mai Triệu Quang - Tổng Giám đốc Công ty ECC, Công ty ECC thực hiện hạng mục phủ bê tông nhựa mặt cầu thép (dài 655m) của cầu Thuận Phước vào năm 2009 theo hợp đồng ký với nhà thầu chính là Công ty Cơ khí xây dựng công trình 623 (Cienco 6). Giá trị quyết toán của hạng mục này gần 14 tỷ đồng, chiếm khoảng 1,3% tổng giá trị của cả cây cầu. Thời hạn bảo hành được ghi trong hợp đồng là 12 tháng kể từ ngày nghiệm thu hoàn thành hạng mục xây lắp.



Ngày 14/07/2009, cầu Thuận Phước chính thức thông xe. Trong năm đầu tiên, cầu được khai thác bình thường, không có hư hỏng. Tuy nhiên, từ năm thứ hai trở đi, mặt cầu bắt đầu xảy ra những hư hỏng nhẹ. Đến giữa mùa nắng nóng cuối tháng 7/2010, trên mặt cầu - ở làn xe giữa cầu xuất hiện một số vết nứt cục bộ tại vị trí vệt xe trọng tải nặng. Đặc biệt, các năm 2011 – 2012, các dạng hư hỏng bắt đầu lan rộng trên lớp phủ bản mặt cầu như lớp phủ bê tông nhựa bị trượt trên mặt bản thép dưới tác dụng của ngoại lực xe nặng và biến dạng co giãn đàn hồi của hệ mặt cầu trong điều kiện nhiệt độ rất cao vào mùa hè. Đến mùa nắng nóng 2013, mặt cầu đã hư hỏng nặng trên diện rộng và gây ảnh hưởng lớn đến quá trình lưu thông trên cầu.

“Nguyên nhân hư hỏng mặt đường là do tải trọng xe quá tải trong năm đầu tiên khai thác, do bức xạ nhiệt quá lớn. Mặt khác khâu thiết kế ban đầu do có những hạn chế khi ứng dụng công nghệ mới, vật liệu mới khi thảm nhựa trên bảng mặt kết cấu thép của cầu dây võng nên ẩn chứa nhiều rủi ro...”, ông Quang nhấn mạnh.



Trước những sự cố hư hỏng, năm 2012, được sự cho phép của Sở GTVT Đà Nẵng, Công ty ECC đã bỏ ra 1,7 tỷ đồng tiến hành thi công ứng dụng một đoạn vật liệu mới dài 200m ở phía Đông cầu Thuận Phước để kiểm chứng khả năng phù hợp của loại vật liệu này cho việc sửa chữa đại trà. Tiếp đó, tháng 7/2013, Công ty ECC được UBND TP Đà Nẵng cho phép đóng cầu trong 15 ngày để tiến hành sửa chữa 4.400m2 mặt cầu để đảm bảo an toàn giao thông với kinh phí trên 5 tỷ đồng.

“Dù đã hết hạn bảo hành từ lâu nhưng với tinh thần trách nhiệm đến cùng và vì uy tín của mình, Công ty ECC đã chi phí trên 5 tỷ đồng cho đợt sửa chữa và gia cường sau cùng này, nâng tổng kinh phí mà công ty đã bỏ ra để sửa chữa mặt cầu Thuận Phước lên đến khoảng 7 tỷ đồng. Đây hoàn toàn là tiền của Công ty ECC chứ không phải là “hàng trăm tỷ đồng tiền ngân sách mỗi lần sửa” như một số thông tin báo chí đã nêu” – ông Mai Triệu Quang khẳng định.

Mặc dù đã sử dụng vật liệu tiên tiến, công nghệ hiện đại, thi công với yêu cầu nghiêm ngặt, nhưng theo các chuyên gia trong ngành, nếu không giải được bài toán ủ nhiệt cho hộp dầm thép thì dù sử dụng bất cứ loại vật liệu gì cho bề mặt cầu cũng chỉ trong vòng vài năm nữa lại phải tiếp tục sửa chữa.

“Vấn đề lớp phủ mặt cầu thép hiện đang rất mới ở Việt Nam và cũng là khó khăn chung về công nghệ của ngành giao thông. Hiện tại chưa có một công nghệ hoàn chỉnh cho kết cấu mặt cầu trên bản thép trực hướng này, ví dụ như mặt cầu Thăng Long cũng là một điển hình, nên các rủi ro về kỹ thuật là điều khó tránh khỏi. Chúng tôi mong muốn việc Công ty ECC tự bỏ chi phí thực hiện các nghiên cứu, ứng dụng công nghệ và thực hiện công tác sửa chữa mặt cầu Thuận Phước suốt thời gian qua sẽ được công luận biết rõ và có đánh giá khách quan, công bằng hơn!” - ông Quang nhấn mạnh.

Theo http://dddn.com.vn/

Copyright 2018 © by BK-ECC
Phát triển bởi VinaWise